Ai mà không muốn sống tích cực? Logic thì bảo phải tập trung vào mặt tích cực của cuộc sống. Tuy nhiên thực tế thì không như vậy. Có khi cả buổi tối đang bán hàng rất vui. Có khách không vừa ý, ném vài câu khó nghe là dễ bực mình lắm. Quên hết không khí vui vẻ trước đó. Lại còn ôm cả cục ấm ức về nhà. Ấm ức cả buổi tối cũng nên.Tại sao lại như vậy? Bởi logic và cảm xúc là hai phạm trù hoàn toàn riêng biệt. Logic giúp ta phân tích, nhận định đúng sai, điều nên làm, điều không nên làm vv. Tuy nhiên đa số logic chỉ giúp ta đưa ra kết luận.

Chỉ cảm xúc mới dẫn đến hành động. Mà là hành động tức thời, bộc phát. Lúc ấy logic lặn tăm. Vậy ta mới nói hành động bị dẫn dắt bởi cảm xúc thường là hành động thiếu suy nghĩ. Cảm xúc được ví như những cơn sóng. Cảm xúc càng mạnh, sóng càng lớn. Thông thường tâm trí càng bình lặng chúng ta càng suy nghĩ sáng suốt. Như mặt nước trong thì thấy cả trời trăng, đáy nước. Lúc đó mặt hồ có thể dùng để soi vạn vật. Nhưng khi sóng lên thì mặt nước vẩn đục, thêm bọt sủi lên thì ta không còn thấy đáy, cũng chẳng con soi được trời trăng hay bất cứ vật gì nữa. Cảm xúc gắn liền với tự ái và cái tôi, tư ngã.

Cái tôi, tự ái càng lớn càng dễ cảm thấy bị tổn thương, cảm xúc càng mạnh. Để tìm lại sự bình lặng trong tâm trí, không phải chỉ tìm cách kìm những cơn sóng trong lòng. Bởi sóng to thật khó ghìm. Nếu một chiếc lò xo bị nén quá lâu, có ngày sẽ bị bật ra. Lúc đó phản lực sẽ rất khủng khiếp.Cách tốt hơn là hãy tìm cách thu nhỏ cái tôi lại. Cái tôi nhỏ, tự ái nhỏ thì sóng chỉ lăn tăn. Lúc đó mình không cần gắng sức quá nhiều để ngăn những con sóng nhỏ. Chỉ cần hít thở vài hơi, mặt hồ sẽ bình yên trở lại. Khi ấy, tích cực không còn là một nỗ lực.Lúc ấy hạnh phúc không phải cố gắng. Không ai cố hạnh phúc được cả.