Khi ta thấy có dấu hiệu nói nhanh, nói không rõ ý, hay vấp váp và dễ mệt hoặc thường rơi vào trạng thái căng thẳng, nóng giận, lo âu… thì đó là lúc ta cần bình tâm lại, chậm lại để giải quyết tình trạng ta đang mất cân bằng.
Mọi người đang sử dụng nhiều cách để bình tâm như: đi cafe, shopping, thể thao, đọc sách… cách này gọi là thay đổi đối tượng, từ đối tượng/môi trường khó chịu sang dễ chịu hơn. Tuy nhiên, sẽ tốn thời gian và chi phí, lâu dần nếu lặp đi lặp lại sẽ tốn nhiều hơn và đôi khi giảm hoặc mất tác dụng, khi đó ta lại tiếp tục thay đổi đối tượng hoặc môi trường cho mới lạ hoặc nặng “đô” hơn.
Có một đối tượng luôn có sẳn để ta sử dụng, dễ dàng mọi lúc mọi nơi, không tốn thời gian, tiền bạc đó là hơi thở. Cách đây 2500 năm trước Đức Phật tìm ra cách này đó là ngồi thiền hoặc ngồi yên.
Bạn cứ thử sử dụng, nếu thấy phù hợp thì tiếp tục xài, không thì thôi, đừng quá câu nệ bạn theo đạo gì. Không có gì to tát khi ngồi yên, đó là phương pháp hữu hiệu giải toả căng thẳng ngay lập tức, rất khoa học, nếu cần thì bạn có thể tìm sách “đơn giản” mà đọc. Tuyệt đối không nghe lời ai đó nói rằng ngồi yên (thiền) sẽ đưa bạn đến một thế giới nào đấy, không có thế giới nào cả ngoài thế giới bạn đang sống. Càng hết sức cảnh giác với ai đó nói đã từng nghiên cứu sâu xa, và phát hiện ra bất kỳ điều gì mang tính huyền bí khi thiền.
Đức Phật ngày xưa dùng chữ “thiền” nếu biết hậu thế rối ren khi nói về “thiền” chắc Ngài sẽ cho đặt tên khác dễ dàng, nên tôi dùng chữ “ngồi yên” cho gần gũi, kẻo nói “thiền” thì bao thứ định kiến lại kéo về. Ngày nay, quá nhiều người mượn chiếc áo thiền để loè người khác, và lắm kẻ vay chữ thiền để để đưa người lên và hạ người xuống.
Ngồi yên hay thiền, đơn giản lắm, chỉ là ngồi yên để thư giản, nhẹ tâm trí thôi mà, như đang ở trong resort vậy, resort của chính mình. Không có gì phải lý luận nhiều, ta đừng bận tâm đến ai nói gì, nhất là lời mấy ông “tiến sĩ” ngâm cứu. Ngồi yên để đối diện với tình trạng của chính mình, không đổ thừa, không nhân danh người khác, vậy đó là người mạnh hay yếu, người bi quan hay lạc quan?
Mời bạn cùng ngồi yên nhé…
Nguồn Nghệ Sỹ Chi Bảo