Điều này rất quan trọng và cũng thật khó. Đòi hỏi phải rèn luyện thật nhiều. Cần phải đạt được sự điềm tĩnh, có sự thấu cảm và tinh tế, không vồ vập vv. Quan trọng lắm, cả trong công việc, kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân. Không tập được kỹ năng này dễ rước vào mình những bực bội, trách móc, không hài lòng suốt đời, kiểu như: “Sao anh nghĩ vậy mà không nói ra từ trước?”
Sao em nghĩ vậy mà không cho anh biết? Vì sao? Vì không dễ gì người khác nói cho chúng ta hết những suy nghĩ thực trong lòng. Phần vì ai cũng ngại va chạm, sợ sự thật mất lòng. Phần vì muốn người đối diện vui dù đó là lời khen lịch thiệp. Sâu hơn nữa, là không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận sự thật.

Chúng ta không thích sự lừa dối nhưng thật ít người sống được với sự thật. Bởi sự thật thì thường đi ngược với những gì chúng ta tin. Và khi sự thật đến, vì ta không tin nên sự thật lại ngậm ngùi khoác lên mình tấm xiêm y êm ái dối lừa.Cuộc sống là thế. Chúng ta đã quen sống với những êm ái nên ngày càng xa dời sự thật.
Vì thế chúng ta sẽ khó nghe được những gì không được nói ra. Lời nói ra thường là không thật. Lời chân thật lại thường không được nói ra.
Vì thế mà khi ai muốn nói thật với mình, chúng ta hay nghe là:”Anh nói thật nhé…” “Em cho phép anh nói thật nhé… Anh nói thật này… Nghĩa là bình thường anh không thật lắm đâu.

Thế nên muốn nghe được sự thật, hãy thẳng thắn, thành thật và vững chãi. Nghe được rồi thì lại cần học chấp nhận sự thật. Nghe để hiểu, để sửa đổi, để học hỏi chứ không phải để quay lại trách móc, chỉ trích giận hờn nhau.”Sự thật thường đắng như một viên thuốc nhưng bệnh nhân cần có nó” như lời Steve Jobs nói. Thế nên mỗi sự thật dù đắng đều sẽ giúp ta tỉnh ngộ phần nào.