Khi còn ở cương vị Giám đốc một công ty, tôi đã từng phải có những quyết định đau lòng. Tôi không muốn, nhân viên càng không muốn. Nhưng tôi ở vào tình thế buộc phải lựa chọn : Công ty hay nhân viên ? Business hay con người? Nhiệm vụ hay tình cảm cá nhân? Thành công hay được yêu quý?
Khó lắm. Nhất là đối với một người luôn đặt tình cảm và con người lên hàng đầu như tôi. Nhiều người làm việc với tư tưởng “ Sống lâu lên lão làng”. Và tư tưởng này là nguyên nhân của mọi sự trì trệ, xưa cũ, cổ hủ và thụt lùi. Nói thế không phải ai lên lão làng cũng là thụt lùi trì trệ, nhiều người rất giỏi và càng lên càng xuất sắc. Tôi không vơ đũa cả nắm, tôi muốn nói đến khía cạnh “tư tưởng” ở đây.

Tư tưởng này cũng lan rộng trong nhiều thế hệ nhân viên, rằng cứ làm lâu, làm chăm chỉ lọ mọ cần cù bù tất cả mọi thứ, là sẽ ổn.
Có thể sẽ tạm ổn khi thời cuộc không khó khăn, không dịch bệnh chiến tranh, khi khách hàng tràn trề tiền bạc để trả mình, khi người người nhà nhà thừa mứa tiền bạc để tiêu dùng mua sắm. Và có thể bạn may mắn ở trong một Công ty với một người lãnh đạo thương người rộng lượng. Nhưng rồi mọi người sẽ thấy tư tưởng này nó tai hại thế nào khi mọi thứ bỗng đảo lộn. Như hiện nay. Như bây giờ. Không phải chỉ ngành truyền thông quảng cáo cũng không phải chỉ ở Việt Nam. Mọi nơi mọi chốn và khắp các nước trên thế giới.

Mà cuộc sống mà ! Thương người rộng lượng đến thế nào thì cuối cùng, cái mà một người đứng đầu buộc phải lựa chọn sẽ không phải là những nhân viên ít giá trị. Mà là sự sống của Công ty.

Cách đây nhiều chục năm tôi đã nghe nhiều đến tư tưởng “ Cống hiến hết mình”. Đây là một thái độ sống cần phải có, tôi đồng ý. Tuy nhiên, trong thời buổi quá sức là cạnh tranh này tôi tự hỏi: Hết mình là hết đến đâu? Mình có cái gì để hết? Giả sử mình có chút xíu khả năng thôi công hiến hết vẫn không ăn thua gì thì sao? Vậy cống hiến hết mình có đảm bảo không bị đuổi việc?

Đi làm thật ra là một hành trình đánh đổi. Để có được đồng lương thì bạn phải cho lại công ty cái gì đó để làm ra tiền, có tiền mới trả lương cho bạn được. Công ty không có tiền từ sự chăm chỉ, hay thức đêm thức hôm của bạn, nếu chúng vô nghĩa hoặc không có nhiều ý nghĩa, nếu chúng không đủ để đánh đổi lấy lương và lợi ích của bạn, xa hơn nữa là nó không cho thấy tương lai phát triển của công ty từ việc chăm chỉ lọ mọ ấy. Công ty cũng rất cần sự cống hiến hết mình của bạn, tuy nhiên bạn cống hiến cái gì? giá trị của nó là bao nhiêu? Nó có cần cho sự tồn tại và tương lai của công ty không? Tất cả là một dấu hỏi lớn để mỗi nhân viên cần xác định để mà có hướng bồi đắp và làm giàu cho cái giá trị đó của chính mình.
Cái công ty cần là GIÁ TRỊ của bạn, quy đổi ra doanh thu hiện tại và tiềm năng trong tương lai của công ty.
Một người Sếp chân chính, cho dù có vui vẻ hoà đồng bá vai bá cổ với bạn đến đâu thì nhiệm vụ cuối cùng của họ cũng vẫn là sự thành công của business, trong đó bao gồm cả việc sử dụng ai, tuyển ai và cần phải loại bỏ ai.

Một người Sếp của một công ty Truyền thông quảng cáo sẽ cần phải xem lại một Manager mẫn cán cần cù làm việc với mình 4-5 năm nhưng chỉ thắng được 1-2 dự án, và số dự án bạn đó lead bị thua là mấy chục. Vì sự thật là các dự án đó dù thua thì bạn cũng vẫn phải làm việc thâu đêm suốt sáng, bạn thấy là mình rất vất vả công hiến hết mình, và hàng năm trời công ty vẫn phải trả lương cho bạn. Nhưng lương đó ở đâu ra nếu ngần đấy năm chỉ thắng được có 1-2 dự án, thậm chí là không thắng dự án nào?
Đây chỉ là một ví dụ.
Hãy thật sự nghĩ về từng đồng lương mình nhận của Công ty. Và bằng cách nào đó tăng giá trị cống hiến của mình lên thay vì làm việc chăm chỉ thâu đêm suốt sáng nhưng không mang lại nhiều giá trị.
Những người Sếp sẽ buộc phải ra những quyết định khó khăn, phải chấp nhận bị nói xấu, bị ghét, bị nói là “cạn tàu ráo máng”. Tôi đã từng nghe nhiều lắm, đau lòng lắm, bị nhân viên mà mình đã từng kèm cặp nhiều năm lên FB chửi đổng …nhưng xin lỗi trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, chúng tôi buộc phải làm.
Vậy nên đừng thấy rằng 4 năm bình thường thì hôm nay sẽ bình thường như 4 năm vừa qua. Mọi thứ đều có thể thay đổi (trừ sự thay đổi) !
Hien Nguyen