Chánh niệm không phải là tìm sự an nhiên tự tại trong nhàn rỗi. Không phải sự chạy trốn sự ồn ào của đô thị để lên núi. Càng không phải bỏ lại phiền phức, chạy trốn những khó khăn thách thức đang bủa vây mỗi ngày trong công việc, trong cuộc sống. Chánh niệm là sống với hiện tại một cách bình thường – ở bất kỳ thời điểm nào, bất cứ ở đâu, bất cứ với ai.
Chánh niệm là tìm thấy cảm giác bình thường. Tìm thấy sự bình thường, tôi không kỳ vọng bình yên, trong các bối cảnh nghịch lý của cuộc sống mới gọi là chánh niệm đích thực.

Mỗi khi còn mắc kẹt với cảm xúc tiêu cực của hiện tại, không thể làm điều quan trọng cho tương lai. Làm điều quan trọng là gì? Là khả năng nhìn thẳng vào thực tại, khách quan với thiệt hại nó gây ra nhưng quan trọng nhất biết tách khỏi nó. Chính xác hơn là GIẢI PHÓNG bản thân khỏi nó.

Chánh niệm là tự do với hiện tại nhưng không có nghĩa mặc kệ hiện tại.
Vẫn trăn trở, vẫn cam kết, vẫn say mê, vẫn vui, vẫn buồn. Nói chung là cảm giác con người có gì, cứ sống với nó như vậy. Nhưng không luỵ. Không luỵ vì vui, không luỵ vì yêu, không luỵ vì buồn. Chánh niệm đích thực là có mà không, không mà có. Chánh niệm trong sự thay đổi, không đi tìm sự cố định nào cả. Cảm xúc con người như dòng sông thôi. Bên lở mới có bên bồi. Đoạn loằng ngoằng rồi mới đến đoạn dài phẳng lặng. Có dữ dội mới có bình lặng.

Đi tìm sự bình yên tuyệt đối là ảo ảnh của chánh niệm.
“Sức mạnh nằm trong việc giữ cho yên bình, vượt lên trên vui sướng và đau khổ, không làm điều tuỳ tiện hay bất lương, không phụ thuộc vào chỗ người khác làm gì hay không làm gì. Vấn đề là anh có khả năng chấp nhận thực tế đang diễn ra. Chấp nhận sự việc khách quan một cách đúng mực. Cái gì không thay đổi được không cần tốn thời gian suy nghĩ và bàn luận về nó.”
(Marcus Aurelius)
BrandSon