Ở một làng nhỏ có một nhà thờ. Cai quản nhà thờ là một vị thầy tu. Đàn ông trong làng có vài gã phóng túng. Đàn bà trong làng một vài chị lẳng lơ. Dân trong làng thì thích buôn chuyện suốt ngày về phóng túng & lẳng lơ. Chuyện tử tế làm họ nhàm chán, chuyện thị phi khiến họ tò mò.
Một ngày nọ cả làng dậy sóng bởi một cô gái trẻ không chồng dính bầu. Sau nhiều lần bị tra hỏi & cả đe doạ, cô gái tiết lộ người làm cô mang bầu chính là vị thầy tu. Cả làng đàn ông đàn bà đều tỏ ra rất thất vọng & tức giận. Họ kéo đến nhà thờ, chất vấn và sỉ vả thầy tu. Ông ấy chỉ nói “thế à?” và không giải thích gì thêm.
Sau một thời gian có một chàng trai quay trở về làng. Chàng trai đến nhà cô gái và thú nhận với bố mẹ cô chàng chính là bố của đứa trẻ. Gia đình cô gái và cả làng cảm thấy ân hận đã dè bỉu và sỉ vả thầy tu. Họ lại kéo đến nhà thờ và xin lỗi. Cũng như lần trước, vị thầy tu cũng chỉ nói “thế à” và không nói gì thêm. (Nguồn: chuyện cải biên từ sách “Owing your own shadow”)
Con người có xu hướng tìm một ai đó để đổ lỗi hoặc phán xét. Nhiều khi đổ lỗi không vì mục đích làm sáng tỏ vấn đề gì hết. Đơn giản đổ lỗi để giải toả thoả mãn một góc khuất nào đấy bên trong chính họ thôi. Mọi giải thích như thế nào cũng vô nghĩa. Giải thích nếu không như lỗ tai muốn nghe, họ sẽ rất tức giận. Tình huống này liên quan đến khái niệm về “tâm trí” theo chia sẻ của anh Phan Viết Phong (owner thương hiệu Obobun tại Pháp). Theo anh Phong tâm trí của chúng ta bị chi phối bởi “cảm xúc” và “lý trí”. Khi bị đổ lỗi oan ức, về mặt tự nhiên tâm trí của chúng ta đa số bị cảm xúc chi phối tức thì. Phản ứng ra bền ngoài là sự tức giận, phẫn nộ bằng lời nói.
Biết im lặng khi gặp nghịch cảnh của bất công là một biểu hiện sức mạnh nội lực của minh triết. Như cách vị thầy tu đã làm. Đại diện của minh triết đủ mạnh để thay các lời nói cảm xúc phẫn nộ chỉ bằng câu nói “thế à”.
Quan hệ đối ngoại của tâm trí đã làm tốt nhiệm vụ. Nhưng bên trong, ở mức độ nào đó người bị oan ức không ai không mong chờ một sự giải oan, người bị đối xử bất công, hiểu nhầm mong ngày được gỡ cáo buộc. Không có gì ngạc nhiên khi ai đó xúc phạm chúng ta, cáo buộc oan chúng ta. Ngày đẹp trời họ nhận ra họ đã hồ đồ và đến nói lời xin lỗi (ôi tôi phải dừng lại để nói rằng cuộc đời này nghe lời xin lỗi thành thật hiếm lắm). Đây là giây phút sự kìm nén bên trong được cởi bỏ. Ai cũng sẽ sung sướng và thả lỏng cho cảm xúc được vỡ oà. Trong cuộc sống, trên phim ảnh thông thường là giây phút của nước mắt, của những thứ khiến tất cả cảm động và nhẹ nhõm. Vị thầy tu đúng là người hiểu chuyện. Khi mọi người gặp xin lỗi ông cũng không tỏ ra vui mừng. Vì là người hiểu chuyện ông biết mai kia có thể sẽ có chuyện tương tự xảy ra. Biết thế được rồi.
Bình yên trong giông bão.
Bình yên trong giông bão khó có thể có được nếu chỉ chờ giông bão lên mới đi tìm bình yên. Sự bình yên bên trong là cả một quá trình mỗi người chiêm nghiệm, thử nghiệm, nghi ngờ và đập vỡ. Nhiều lần, nhiều lần lắm mới tạm gọi là có một tâm trí tạm đủ đề kháng để đón nhận các đợt giông bão như một chu kỳ đến rồi đi. Cứ vui buồn bản năng vì con người sinh là vậy. Nhưng thỉnh thoảng khi cần thiết chỉ cần nói “thế à” là đủ.
Theo Nguyễn Đức Sơn